TẠI LÀNG GỐM BÁT TRÀNG (HÀ NỘI), NGHỆ NHÂN VƯƠNG TUẤN ĐÃ PHA CHẾ THÀNH CÔNG LOẠI ĐẤT LÀM ẤM TỬ SA KHÔNG THUA KÉM CHẤT ĐẤT Ở NGHI HƯNG - GIANG TÔ - TRUNG QUỐC - NƠI SẢN XUẤT RA NHỮNG CHIẾC ẤM TỬ SA HUYỀN THOẠI. SẢN PHẨM ẤM TỬ SA BÁT TRÀNG CỦA NGHỆ NHÂN VƯƠNG TUẤN LÀ SỰ HÒA QUYỆN TUYỆT VỜI GIỮA NHỮNG BÍ QUYẾT LÀNG NGHỀ VỚI NIỀM SAY MÊ CHÁY BỎNG TỪ NHỮNG NẮM ĐẤT QUÊ HƯƠNG ...
CHUYỆN CHIẾC ẤM TỬ SA
Từ Đông sang Tây giới chơi trà đồn rằng ấm trà quý nhất là chiếc ấm Tử Sa chỉ có ở vùng Nghi Hưng - Giang Tô - Trung Quốc. Ấm Tử Sa được làm từ đất có pha cát tím, có đặc tính hấp thụ hương trà, càng sử dụng lâu ấm càng có giá trị vì hương trà quyện vào. Giới thưởng trà còn đồn rằng dùng ấm Tử Sa sau này ấm cũ chỉ cần rót nước sôi vào rồi rót ra chén là đã có hương trà (khi uống có mùi vị đượm tựa như uống trà). Giới thưởng trà cũng đồn thêm ấm Tử Sa giờ rất đắt vì đất Tử Sa sau hàng thế kỷ khai thác đã trở nên hiếm hoi, cạn kiệt. Nhiều người mê ấm Tử Sa sang tận Giang Tô mua ấm về nhưng hàng dởm nhiều hơn hàng thật.
"Ấm Tử Sa, chén Tử Sa soi lên thấy ánh cát lấp lánh, gõ kêu lanh canh, còn ấm dởm âm thanh kêu đục, dùng lâu bị thấm ẩm ra ngoài", rót một chén trà từ bộ ấm Tử Sa "thứ thiệt", Tô Thanh Sơn - người bạn "đồng niên" của Vương Tuấn tỉ mỉ bày cho tôi cách phân biệt Tử Sa thật, dởm. Còn Vương Tuấn thì thong thả bật mí: "chả cần lặn lội sang tận Giang Tô, Bát Tràng chúng mình đây đã làm được ấm Tử Sa rồi". Nói đoạn, chủ dẫn khách vào xưởng bày la liệt ấm, chén. Cảm giác đầu tiên: Choáng !
Choáng bởi trước mắt mình ấm Tử Sa dãy ngang, dãy dọc cả ngàn bộ. Cái còn đang ướt, màu đất mộc mướt mượt, cái đã "qua lửa" nâu mịn một màu hoặc sắc tím đen như ấm Tử Sa Giang Tô, miệng chén bịt đồng sáng lấp lánh. Choáng bởi giá thành đa dạng từ hơn trăm ngàn đồng/bộ đến cả triệu đồng/bộ mà bộ nào cũng đẹp đến tinh xảo. Lấy hai chiếc chén gõ vào nhau, rõ ràng nghe âm thanh của đất rất trong, lanh canh chứ không lục bục. Gõ càng mạnh tiếng càng thanh, càng đanh mà lạ là không vỡ, đập mạnh cũng không vỡ. Đất đâu mà kỳ lạ, gốm sao cứng hơn sành? Tô Thanh Sơn bảo Vương Tuấn làm được điều kỳ diệu ấy bởi vì Tuấn là người "yêu" đất. Vương Tuấn rất hiền, chỉ cười xác nhận Sơn hiểu bạn.
CHUYỆN NGƯỜI "YÊU" ĐẤT
Vương Tuấn sinh năm 1964, không hề qua một trường lớp mỹ thuật nào nhưng là một trong những nghệ nhân sớm nhất ở Bát Tràng được thành phố ghi danh, công nhận. Sinh trưởng trong một làng nghề truyền thống, con cháu dòng họ Vương (là 1 trong 5 dòng họ làm gốm nổi tiếng ở làng Bồ Bát xưa, Bát Tràng nay), Tuấn yêu đất, yêu gốm cũng là lẽ thường. Nhưng khác với những nghệ nhân trong làng nổi danh với các bài men cổ, Vương Tuấn có một hướng đi khác: anh chú trọng tới chất đất. "Tôi đi đâu cũng mó tay vào đất cát, đi đâu cũng mê mải tìm đất và mang về một tý. Bát Tràng chỉ có đất sét trắng còn đất đen làm ra ấm Tử Sa là đất gốc ở Quế Quyển - Hà Nam. Tôi đem đất Quế Quyển về pha chế thêm đất ở một vài nơi để có độ dẻo, độ bền, độ dai như chất đất Tử Sa ở Giang Tô. Tôi kết hợp để tạo ra đặc trưng riêng. Nguyên liệu không phải ở đâu xa mà ở những mảnh đất ngay dưới chân mình", Vương Tuấn kể.
Nghe thì giản đơn thế thôi, nhưng sự thực thì Vương Tuấn đã mất hàng năm trời để tìm đất và pha chế, tính toán tỷ lệ sao cho sản phẩm đanh hơn, chịu nổi nhiệt trên 1200 độ. Không được học mỹ thuật bài bản, Vương Tuấn khắc phục bằng cách đọc nhiều. Anh tự tay đi mua ấm Tử Sa từ Giang Tô về xem, phân tích, nghiên cứu và phát triển dòng sản phẩm của mình. "Không phải để chơi, để thi thố tài năng mà để đưa vào cuộc sống đương đại, duy trì và phát triển làng nghề", Vương Tuấn tâm sự. Ấm Tử Sa của Vương Tuấn đã được thị trường chấp nhận, yêu thích bởi chất liệu độc đáo, mỹ thuật tinh xảo. Hơn thế, những bộ ấm Tử Sa của Vương Tuấn càng dùng càng bóng và lên nước men độc đáo do mồ hôi tay người uống tạo thành. Thứ "men sống" thấm đẫm hơi thở con người còn cho ấm Tử Sa của Vương Tuấn một giá trị vô giá: đó là sự an toàn khi sử dụng sản phẩm và tính năng ngấm hương trà không khác gì Tử Sa của Giang Tô.
Trước khi làm Tử Sa, nghệ nhân Vương Tuấn từng nổi danh với những sản phẩm độc đáo như vò Rồng hay đỉnh gốm, từng thi thố tài năng và có được ghi danh bởi những bình gốm độc đáo kết hợp giữa gốm mộc và gốm sứ. Bình thường anh khá kiệm lời nhưng hễ nhắc đến gốm, đến đất là anh trở nên đắm đuối. Anh tâm sự rằng làm nghề truyền thống mà không đắm đuối thì không thể làm được hoặc giá nếu có làm thì cũng chỉ là bắt chước, làm hàng chợ. Mà nếu ai cũng làm hàng chợ như thế thì làng nghề sẽ mai một đi bởi sản phẩm của cả làng Bát Tràng gom lại cũng chỉ bằng công suất của một nhà máy. "Tôi luôn tìm tòi chứ không thể lặp lại, phải luôn luôn thay đổi không những về chất lượng, an toàn cho người sử dụng mà về mỹ thuật còn làm sao cho con người đương đại cũng yêu thích, say mê để nghề gốm phát triển theo nhu cầu xã hội. Còn nếu dậm chân tại chỗ là thua ngay hàng ngoại, hàng nhập".
TAO NHÃ TẾT... TRÀ
Vương Tuấn có rất nhiều sách, ảnh và tư liệu quý về ấm trà Đông, Tây, Kim, Cổ. Anh bảo dù chỉ đứng hàng thứ 4 "Nhất thủy, nhì trà, tam pha, tứ ấm", nhưng ấm trà chứa đựng tâm thức của con người, ủ những điều thanh tao của một thú chơi tao nhã.
SẢN PHẨM ẤM CHÉN TỬ SA CỦA NGHỆ NHÂN VƯƠNG MẠNH TUẤN ĐƯỢC BATTRANG.INFO PHÂN PHỐI ONLINE ĐỘC QUYỀN
XEM SẢN PHẨM TỬ SA TẠI ĐÂY: http://battrang.info/p_category/273-am-chen-tu-sa.html
Liên hệ:
Văn phòng Hà Nội | Trụ sở tại Bát Tràng |
|
0 comments:
Đăng nhận xét